MINH MẪN
Miền Vĩnh Nghiêm là tên gọi cho cộng đồng Phật giáo miên Bắc sống trong Nam, sau 1964 Phật giáo thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chia vùng hành chánh theo từng miền:
Miền Vạn Hạnh: Bắc duyên hải Trung phần từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, trụ sở ở Huế
Miền Liễu Quán: Nam duyên hải Trung Phần từ Bình Định đến Bình Thuận, trụ sở ở Quy Nhơn
Miền Khuông Việt: Cao nguyên Trung phần từ Kontum đến Quảng Đức, trụ sở ở Ban Mê Thuột
Miền Khánh Hòa: Miền Đông Nam Phần từ Bình Tuy lên Phước Long, Tây Ninh xuống đến Gia Định,
Miền Huệ Quang: Miền Tây Nam phần Tiền Giang,
Miền Khánh Anh: Miền Tây Nam phần Hậu Giang,
Miền Quảng Đức: Thủ đô Sài gòn, trực thuộc Viện Hóa Đạo,
Miền Vĩnh Nghiêm: Phật tử Miền Bắc di cư và đại diện cho cả Miền Bắc
Đây là kết quả cuộc họp liên tục và cân nhắc của Phật giáo lúc bấy giờ sau khi nhà Ngô sụp đổ
Cuộc họp bắt đầu từ ngày 31 Tháng Chạp năm 1963 tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn với:
Ủy ban Liên phái Phật Giáo: Thượng tọa Thích Tâm Châu
Giáo hội Tăng già Bắc Việt: Thượng tọa Thích Tâm Giác
Thiền tịnh Ðạo tràng: Thượng tọa Thích Minh Trực
Giáo hội Nguyên Thủy Việt Nam: Thượng tọa Thích Pháp Tri
Giáo hội Theravada: Lục cả Lâm Em
Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam: Thượng tọa Thích Thanh Thái
Giáo hội Tăng già Trung phần: Thượng tọa Thích Huyền Quang
Giáo hội Tăng già Nam Việt: Thượng tọa Thích Thiện Hoa
Hội Phật học Nam Việt: cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật giáo Nguyên thủy: cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu
Hội Phật giáo Trung phần: Thượng tọa Thích Trí Quang
Hội Việt Nam Phật giáo: cư sĩ Vũ Bảo Vinh
Ðại diện Phật tử Theravada: cư sĩ Sơn Thái Nguyên.
Như vậy, trên phương diện lãnh thổ, các Miền quy định địa dư rõ ràng, riêng Miền Vĩnh Nghiêm chỉ là danh nghĩa dành cho cộng đồng Phật tử miền Bắc đang sống trong Nam đại diện cho phía Bắc, vì quần chúng Phật tử miền Bắc có mặt tất cả khắp phía Nam, không có địa giới rõ ràng, tuy là đại diện cho Phật tử phía Bắc, nhưng không liên lạc với phía Bắc. Vì vậy gọi là miền Vĩnh Nghiêm là miền lơ lững giữa 7 miền còn lại. Tuy nhiên, nề nếp sinh hoạt tôn giáo và cơ sở vật chất vẫn là một thực tại. Miền Vĩnh Nghiêm lúc bấy giờ do cố HT. T. Tâm Giác làm chánh đại diện.
Nhân sự:
Trước 1975, lúc bấy giờ, chư Tăng miền Vĩnh Nghiêm, hay nói cách khác là chư tôn đức miền Bắc vẫn có một trọng lượng đáng kể trong tổ chức GHPGVNTN, tuy ít. Cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, cố Hòa Thượng Thích Tâm Giác, HT. T.Thanh Long, cố HT T.Quảng Long, cố HT. T. Đức Nhuận, HT T.Tâm Châu, HT.T.Quảng Độ, HT.T. Đức Nghiệp, HT.T. Quảng Thiệp, HT.T.Giác Đức…là những gương mặt sáng giá trong tổ chức GHPGVNTN đủ đại diện cho cộng đồng Phật giáo miền Bắc sinh hoạt tại miền Nam. Các ngài đã góp công rất lớn cho việc phục hoạt tổ chức Phật giáo Việt Nam sau 1963.
Về phía Bắc, chùa tổ Vĩnh Nghiêm, trong thời chiến, thiếu nhân sự thừa kế, một số chư Tăng phải xếp ca sa khoác chiến bào, vì vậy một thời gian dài tổ đình Vĩnh Nghiêm Bắc Giang thiếu bóng tu sĩ, kể từ lúc tổ Thanh Hanh (1838 – 1936 ) cố Thiền gia Pháp chủ phía Bắc có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo của thế kỷ 20, viên tịch.
Sau 1982, GHPGVN ra đời, khu vực hành chánh đã xóa tên miền Vĩnh Nghiêm cũng như các miền khác, chỉ còn danh xưng Ban Trị Sự Phật Giáo song song với cơ cấu hành chánh của nhà nước; Riêng Vĩnh Nghiêm được phục hoạt danh xưng như một dòng phái khởi nguồn từ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử thời Trần Nhân Tông, hay còn gọi là Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử, từ đây, nhân sự của dòng Vĩnh Nghiêm cũng được gia tăng theo chiều dài lịch sử.
Nếu đệ tam Tổ Huyền Quang chấn hưng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, phát xuất mạch nguồn từ thiền sư Hiện Quang ( đời thứ 15 dòng Vô Ngôn Thông) lấy chùa La ( Vĩnh Nghiêm ) Bắc Ninh làm cơ sở khởi đầu, thì ngày nay, Vĩnh Nghiêm tại Bắc Giang trở thành trung tâm du lịch tâm linh, có bề dày lịch sử về cơ sở đào tạo Tăng tài đầu tiên của đất nước, có lối kiên trúc đậm nét đặc trưng miền Bắc cổ; nằm ở vị trí non nước hữu tình về mặt cảnh quan, mà còn chiếm vị trí địa linh làm nẩy nở một thời dòng Thiền thuần Việt.
Cơ sở
Tuy được xây dựng từ thời Lý, nhưng mãi đến đời Trần, vua Trần Nhân Tông và các đồ đệ chọn chùa La làm cơ sở hoằng Pháp, từ đó, Vĩnh Nghiêm mới đi vào lịch sử gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Kể từ khi Trúc Lâm Đại Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, cùng 2 đệ tử Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập phái Thiền tông hay còn gọi là dòng thiền Trúc Lâm Tam tổ, ( kết hợp ba dòng Thiền trước đó : Tỳ Ni Đa Lưu Chi- Vô Ngôn Thông và Thảo đường) mở mang hệ thống chùa tháp dọc theo hai sườn dãy Yên Tử, từ đó lan tỏa xuống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó chùa Vĩnh Nghiêm ( còn gọi là chùa La ) và vùng Yên Tử trở thành trung tâm đào tạo Tăng tài cho toàn quốc.Vua Trần Nhân Tông thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm đầu tiên. Sau đó Pháp Loa kế nhiệm trụ trì, khi Pháp Loa viên tịch, Thiền sư Huyền Quang kế thế thủ tọa, từ đây dòng thiền Trúc Lâm phát triển lớn mạnh. Phát xuất từ chùa La (Vĩnh Nghiêm), hình thành một giáo hội chính thống, có chủ trương, có tổ chức hành chánh, phong hàm giáo phẩm, có điệp đàn Tăng tịch. Lần đầu tiên Phật giáo có trường đào tạo tu sĩ, có khuynh hướng giáo dục rõ ràng.
Tuy nhiên, sau khi Thiền phái Trúc Lâm phát triển sâu rộng qua nhiều thời kỳ, Vĩnh Nghiêm không còn được xem thuộc trường phái Trúc Lâm Yên Tử, mà tự thân là một dòng biệt lập,mãi đến ngày nay, dòng Vĩnh Nghiêm truyền thừa trên 800 năm, không mang một sắc thái thiền của Trúc Lâm Tam tổ, và thời gian cận đại, sinh hoạt Thiền môn của dòng Vĩnh Nghiêm không khác với các sinh hoạt của những thiền môn trong cả nước, Thiền Mật Tịnh dung thông.
Ngày nay, dòng Trúc Lâm Yên Tử do Hòa Thượng T. Thanh Từ hướng dẫn, lần lượt phục hồi và kiến tạo các cơ sở Trúc Lâm, trong đó, tại Bắc Giang, Trúc Lâm Phượng Hoàng tại vùng đất Nham Biền, không xa chùa La, được hưng công một cách bề thế, có nghĩa, chùa Vĩnh Nghiêm không còn nằm trong hệ thống Trúc Lâm hiện nay.
Năm 1964, HT. T. Tâm Giác cùng HT. T. Thanh Kiểm đứng ra xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm tại Saigon, trên đường Công Lý mà hiện nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, do kỷ sư Bùi Văn Tố và Nguyễn Bá Lăng thiết kế xây dựng. Kế thế cố HT Trụ Trì Thích Thanh Kiểm, hiện nay là TT. T. Thanh Phong. Đây được xem là tổ đình Vĩnh Nghiêm phía Nam, hàng ngày co hàng trăm du khách tham quan, mỗi đại lễ, có hàng vạn Phật tử tham dự; không những tổ đình Vĩnh Nghiêm đại diện cho dòng phái phía Nam mà còn là nơi du lịch nổi tiếng. Nơi đây có nhiều sinh hoạt gắn liền với xã hội và tín ngưỡng, tạo một uy tín vững vàn trong giới Phật giáo hiện nay. Sau năm 1975, một số Tăng sĩ thành lập các nhánh Vĩnh Nghiêm như ở Mỹ do HT T. Minh Thông chủ tạo, Tiệp Khắc, Thiền viện Vĩnh Nghiêm- vũng Tàu do ĐĐ T. Phúc Hải trụ trì. Tu viện Vĩnh Nghiêm quận 12 TP HCM do TT. T. Thanh Phong chủ tạo. Chùa Vĩnh Nghiêm Thành Phố Nürnberg, bang Bayern, C.H.L.B Đức-ÂU CHÂU hình thành năm 2009. Hiện phía Nam có trên 80 cơ sở thuộc dòng Vĩnh Nghiêm, và trên 500 Tăng ni đng tu học khắp phía Nam, chưa kể số lượng tu sĩ và cơ sở vật chất từ Quảng Bình trở ra Bắc.
Một vài chùa miền Nam có liên đới với Phật tử miền Bắc trước đây, được xem là cơ sở dòng Vĩnh Nghiêm như chùa Giác Minh, chùa Từ Quang, chùa Phúc Lâm Biên Hòa, chùa Phổ Minh Tây Nguyên…hiện vẫn sinh hoạt không lệ thuộc dòng phái mà tiếp xúc, vẫn có nét riêng của Phật giáo phía Bắc.
Ảnh hưởng tâm linh
Tuy dòng phái Vĩnh Nghiêm sau khi tách khỏi ảnh hưởng Thiền phái Trúc Lâm, nhưng tinh thần tu tập và gắn kết với cộng đồng xã hội vẫn không khác với chủ trương của Trúc Lâm Tam tổ. Những Thiền sư kế thừa dòng thiền Trúc Lâm vẫn lấy tôn chỉ: : "Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" làm chủ đạo, ngài linh động kết hợp giảng kinh thuyết pháp, mà các dòng phái trước kia chuyển ẩn dật, cách biệt xã hội, thì Thiền Trúc Lâm chứng minh cho thấy "Đạo đời viên dung" Phật pháp bất ly thế gian pháp. Trong thời chiến cũng như lúc thanh bình, chư Tăng thuộc dòng Vĩnh Nghiêm cũng từng tham gia mọi công ích, kể cả xếp cà sa khoác chiến bào để làm tròn bổn phận công dân. thậm chí, thời kỳ này Hòa thượng Thích Tâm Duyệt là người trực tiếp chèo đò chở cán bộ, bộ đội trên bến đò La qua sông Lục Nam. Sư Duyệt được Nhà nước tặng Huân chương vì đã có công trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Công tác xã hội ngày nay, chư Tăng dòng Vĩnh Nghiêm nói chung,TT Thanh Phong phía Nam và TT T. Thanh Vịnh, trụ trì tổ đình phía Bắc nhiệt tâm trong mọi công tác xã hội và hậu thuẩn cho giáo hội trong mọi sinh hoạt liên hệ đến kinh tế.
Vĩnh Nghiêm Bắc Giang là một cơ sở có nhiều vinh hạnh được chư danh Tăng thạc đức làm tọa chủ, người đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh, kế đến là Ngài Đạo An, ngài Minh Tâm, ngài Bảo Tánh và ngài Huệ Quang ( tức vua Lý Huệ Tông), từ đó, các vua chúa, quần thần đều hướng về Vĩnh Nghiêm, nhất là khi Trúc Lâm đặt cở sở phát huy thiền phái của mình tại Vĩnh Nghiêm, nghiễm nhiên chùa La trở thành trụ cột cho Phật giáo thời bấy giờ, tiếp nối các danh Tăng về thủ tọa. Đến năm 1930, thế kỷ 20, Hòa Thượng T. Thanh Hanh, đệ nhất Pháp chủ thiền gia phía Bắc, rồi đệ nhị pháp chủ là Hòa Thượng T. Mật Ứng, HT T. Quảng Duyệt, HT T. Đức Nhuận đều xem Vĩnh Nghiêm là Già Lam Tổ đình cho Tăng ni an cư bốn mùa. Hiện nay là TT. T.Thanh Vịnh thủ tọa.
Ngoài ra, chùa Vĩnh Nghiêm thủ đắc kho mộc thư được ấn bản từ thời cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 gồm nhiều thể loại như kinh, luật luận, thi phú, sách thuốc và chú giảng…được Unesco công nhận là di sản thế giới.
Tổ đình Vĩnh Nghiêm miền Nam, tuy phát triển cơ sở vật chất, vẫn mang tầm vóc tâm linh, thổi hồn vào để duy trì tinh thần Phật giáo qua các cơ sở vật chất như bảo tháp để lưu tồn ân đức của chư vị tiền bối có công với dòng phái. Phía Bắc, tổ đình cũng không làm mất dáng vẻ cổ kính mặc dù nhiêu lần tu tạo tái thiết. Cho dù nơi đâu, cơ sở vật chất của dòng Vĩnh Nghiêm vẫn còn phảng phất nét văn hóa Phật giáo một thời của miền Bắc, đó là nét đặc thù mà ngoài dòng phái Vĩnh Nghiêm, hiện nay chưa có dòng phái nào tồn tại lâu dài trên đất nước phía Bắc còn duy trì được văn hóa cá biệt của mình. Phải chăng, văn hóa tâm linh của dòng phái đã giúp chư Tăng bảo tồn được sắc thái đó?
Tập quán
Hầu hết các chùa phía Bắc ảnh hưởng nặng Tam tòa Tứ phủ, vì thế, chư Tăng ít nhiều cũng phải biết nghi pháp hầu đồng. Đền miếu chùa đình là một quần thể văn hóa tín ngưỡng của miền Bắc. Từ ngày thành lập GHPGVN, chư Tăng giảm dần việc cúng sao giải hạn, đốt vàng mã. Tuy nhiên, quần chúng vẫn khó mà thay đổi. Một số tu sĩ trẻ được đào tạo từ học viện, phần nào ý thức và phân biệt được giữa tín ngưỡng truyền thống dân tộc và tín ngưỡng tâm linh Phật giáo, nhưng các trụ trì vẫn không thoát khỏi sự chi phối của quần chúng về tập quán Thần Phật. Trụ trì không biết hầu đồng múa rỗi thì khó mà được quần chúng yểm trợ. Chư Tăng dòng Vĩnh Nghiêm cũng thế, nhưng sinh hoạt tín ngưỡng dòng Vĩnh Nghiêm hiện nay có nhiều thay đổi hơn xưa. Đặc biệt, tuy nhập thế thời đại, chư Tăng được trang bị kiến thức tối thiểu, nhiều vị được du học, khi về lãnh sứ mạng hoằng pháp, hành đạo, vẫn giữ được nét truyền thống cổ về kiến trúc, duy trì được Tăng phong dòng phái mà không bị lỗi thời với hiện đại. Tuy thích nghi với thời đại về kiến thức, về kiến trúc, về sinh hoạt xã hội mà vẫn giữ được nét cổ kính của dòng phái do nhiều đời danh sư truyền đăng tục diệm. Tập quán sinh hoạt thiền môn phía Bắc vẫn không bỏ, nhưng cập nhật văn minh hiện đại vẫn có thừa. Nhất là chư Tăng phía Bắc được duy trì tập quán bởi quần chúng miền Bắc vẫn chưa nhạt nhòa nếp sống cổ xưa, đòi hỏi chư Tăng phải giữ được tập quán thiền môn mà hàng ngàn năm, phía Bắc từng là chiếc nôi của đạo Phật. Cái khó hiện nay của chư Tăng nói chung trong thời kinh tế thị trường, đòi hỏi phải thích nghi thời đại mà không phụ lòng nhu cầu tâm linh cổ xưa quần chúng miền Băc. Tập quán vẫn là chiếc vành để giữ miệng thúng đạo đức tín ngưỡng được vững vàn hơn.
Tuy nhiên, chư Tăng dòng Vĩnh Nghiêm ở phía Nam tương đối ít bị ràng buộc bởi tập quán cổ thời, họ đã hòa nhập với nếp sinh hoạt phía Nam một cách uyển chuyển, tuy không đánh mất gốc cổ truyền, nhưng cũng không đi quá xa về Tăng phong đạo cách của Thiền môn.
Tóm lại, cùng với sự phát triển chung của Phật giáo, giòng thiền Trúc Lâm đang khôi phục cơ sở vật chất chưa đồng bộ với tăng trưởng tâm linh, tuy gọi là giòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, chưa cung cấp cho văn học Phật giáo Việt Nam hiện tại một nội chất đặc thù của Thiền phái ngoài danh xưng và các đời truyền thừa phả hệ của chư Thiền sư, chưa làm nổi bậc một pháp hành đặc thù như Tam Tổ đương thời, tuy nhiên khôi phục tinh thần Trúc Lâm trên cơ sở vật chất cũng là điểm tựa cho tinh thần dân tộc một thời được hưng phấn bởi giòng thiền Phật giáo Việt Nam duy nhất. Song song với sự phát triển của giòng Trúc Lâm khi tách biệt hẳn cơ sở chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm Bắc Giang), dòng Vĩnh nghiêm vẫn duy trì được tông phong và âm thầm phát triển. Tuy dòng Vĩnh Nghiêm mang tính truyền thừa của tiền hiền liệt tổ, dẫu sao vẫn còn duy trì tầm vóc một thời mà những chi phái khác có tên tuổi như Thảo đường, Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa lưu Chi, Liễu Quán, Thiên Thai giáo quán tông…đã vắng mất hệ thống tổ chức truyền thừa. Lâm Tế và Tào Động cũng chỉ còn trên phả hệ mà không có truyền thống tục diệm rõ ràng. Ngày nay, dòng thiền của Ngài Duy Lực còn quá mới mẻ, chưa phát triển sâu rộng, chưa thành một giòng phái có tầm vóc, vì thế, dòng Vĩnh Nghiêm hiển nhiên có một vị trí tương xứng trong cộng đồng sinh hoạt của Phật giáo trong và ngoài nước hiện nay.
Dòng Vĩnh Nghiêm, ngoài cơ sở vật chất và lượng số Tăng ni khá lớn. Phả hệ tương đối tồn tục, nhưng sắc thái tâm linh vẫn chưa có một hương vị đặc thù nào để sử gia có thể phân biệt dòng Vĩnh Nghiêm khác với các giáo hệ đương đại mà Nhật Bản, Cao ly có một ranh giới rõ ràng cho các dòng phái.
Dẫu sao, qua bao biến thiên lịch sử, dòng phái Vĩnh Nghiêm vẫn có chỗ đứng thực sự trong giáo sử cận đại, song song đó, các trường phái nổi danh một thời nay cũng chỉ còn trên những trang sử quá độ của Phật giáo Việt Nam.
Miền Vĩnh Nghiêm hay dòng Vĩnh Nghiêm cũng chỉ là tên gọi cho sự liên tưởng một thời, dành cho chư Tăng Ni Phật tử từng hãnh diện chùa Tổ vốn là nguồn gốc phát xuất cho một trang sử oai hùng của dân tộc và Phật giáo từ thời Trần khai nguyên Thiền phái nước Việt. Đất nước bao lần thay ngôi đổi chủ, thể chế chính trị bao lần mang màu sắc khác nhau, nhưng Vĩnh Nghiêm vẫn là dòng phái tồn tại song hành với sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam.
MINH MẪN
21/8/2012