NGÀN NĂM GƯƠNG CŨ
Trần Gia Phụng
1.- RỒNG BAY CÁCH ĐÂY MỘT NGÀN NĂM
Sau khi đảo chánh, lật đổ nhà Tiền Lê vào cuối năm 1009 (kỷ dậu), Lý Công Uẩn lên ngôi vua năm 1010 (canh tuất), lấy niên hiệu là Lý Thái Tổ (trị vì 1010-1028), lập ra nhà Lý (1010-1225). Việc đầu tiên của Lý Thái Tổ là quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, và đổi tên là Thăng Long vào tháng 7 năm canh dần.
Việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La được Lý Thái Tổ giải thích như sau: "Ngày xưa, nhà Thương [Trung Hoa, 1783-1123 TCN] đến đời Bàn Canh [vua Thương thứ 17, 1401-1374 TCN] năm lần dời đô, nhà Châu [Trung Hoa, 1134-256 TCN] đến đời Thành Vương [vua Châu thứ 3, 1115-1079] ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu? Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ của Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương [Cao Biền], ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng nầy mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở..."( Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư [chữ Nho], Hà Nội: bản dịch tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, 1998, tr. 241.)
Nói như thế, nhưng quyết định dời đô của Lý Thái Tổ bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa hơn là chiếu chỉ đã viết. Vùng Hoa Lư là địa bàn sinh hoạt của đại gia tộc nhà Tiền Lê. Lý Thái Tổ lật đổ nhà Tiền Lê và cướp chính quyền. Cuộc đảo chánh bề ngoài xem ra êm ái, ít được sử sách ghi lại chi tiết. Có thể vì "lịch sử thuộc về kẻ chiến thắng", vua quan nhà Lý không muốn nhắc đến việc nầy, nên đời sau không biết mà ghi lại. Tuy nhiên một đại gia tộc như nhà Tiền Lê, với khoảng 10 hoàng tử đã từng tranh quyền với nhau, hoàn toàn bị tiêu diệt, ắt hẳn phải xảy ra một cuộc tranh chấp rất gay gắt. Có thể Lý Thái Tổ lo ngại thế lực còn lại của nhà Tiền Lê, hoặc dư âm của cuộc đảo chánh, không muốn ở lại địa bàn còn nhiều ảnh hưởng của triều đại trước.
Thứ đến, thành Đại La nằm gần Bắc Ninh, nơi xuất phát của Lý Thái Tổ và quân sư của ông là thiền sư Vạn Hạnh. Bắc Ninh là chiếc nôi của Phật giáo nước ta, nơi từ đầu Công nguyên có thành Luy Lâu (cách Hà Nội ngày nay 20km), được xem là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước Việt, cũng là nơi có chùa Pháp Vân (chùa Dâu) được thành lập từ thế kỷ thứ 6. Các thiền sư Phật giáo là những người hậu thuẫn mạnh mẽ cho Lý Thái Tổ. Do những lẽ đó, Lý Thái Tổ mới quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long,
Thành Đại La (Thăng Long) được ưu điểm hơn thành Hoa Lư ở vị trí trung tâm nước ta lúc đó, nằm trên sông Hồng, dễ giao thông liên lạc, nhưng về địa lý chính trị, trong thế đối kháng với Trung Quốc thời bấy giờ, thì thành Đại La không lợi thế bằng thành Hoa Lư.
Hoa Lư ở xa biên giới Trung Quốc hơn Đại La, đường sá lúc bấy giờ đi lại khó khăn, nên người Trung Quốc khó tấn công hơn. Có thể chính vì Đại La gần Trung Quốc, dễ giao thông liên lạc với Trung Quốc, nên nhà cầm quyền Trung Quốc chọn Đại La làm thủ phủ của Giao Châu (cổ Việt) do họ đô hộ. Cũng có thể chính vì thế, mà nhà Đinh, và nhà Tiền Lê bỏ Cổ Loa (Đông Anh, Phúc Yên), kinh đô của Ngô Quyền, gần Đại La và gần Trung Quốc, mà chọn Hoa Lư ở Ninh Bình làm thủ đô, xa biên giới Trung Quốc hơn, nhằm tránh áp lực tấn công của Trung Quốc.
Để thu hút quần chúng, lúc đó còn nhiều mê tín dị đoan, Lý Thái Tổ tạo ra huyền thoại rằng khi nhà vua đi thuyền đến Đại La, có rồng xuất hiện trên bầu trời báo điềm lành, nên nhà vua cho đổi tên Đại La thành Thăng Long (rồng bay). Đến năm 1014 (giáp dần) Lý Thái Tổ cho xây thành Thăng Long bằng đất, ngay trên vị trí của thành Đại La cũ.
2.- KINH NGHIỆM NGÀN NĂM
Kể từ khi Lý Thái Tổ chọn Đại La làm kinh đô và đổi tên thành Thăng Long, tính cho đến ngày nay (2010), thành Thăng Long được một ngàn năm chẳn. Vì vậy, năm nay, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) quyết định tổ chức lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long.
Thông thường, kỷ niệm một người hay một sự kiện gì, là để tưởng nhớ công ơn người xưa hay hay những bài học từ chuyện xưa tích cũ, để từ đó rút ra những kinh nghiệm ứng dụng vào việc ứng xử ngày nay. Riêng thành Thăng Long, trong một ngàn năm qua, Thăng Long đã chia sẻ đời sống với dân tộc Việt, thăng trầm theo sự thăng trầm của lịch sử Việt, và đã để lại những kinh nghiệm thật là quý báu.
Kinh nghiệm đầu tiên, dầu Thăng Long là kinh đô, được nhà cầm quyền Việt phòng thủ chặt chẽ, nhưng cũng đã bị ngoại bang tấn công và chiếm đóng nhiều lần. Đó là các nước Trung Quốc, Chiêm Thành và Pháp. Trong các nước nầy, nước tấn công và chiếm đóng Thăng Long nhiều lần nhất là Trung Quốc.
Kinh nghiệm thứ hai là bất cứ nhà cầm quyền Trung Quốc nào cũng đều muốn tiến quân chiếm nước Việt, vừa để mở rộng biên giới, vừa để tìm đường xuống Đông Nam Á. Vì vậy, bất cứ nhà cầm quyền Trung Quốc nào cũng lợi dụng cơ hội nước Việt suy yếu, tranh chấp nội bộ, hay xảy ra thay đổi triều đại, Trung Quốc liền chụp lấy thời cơ, đem quân sang tấn công nước ta.
Kinh nghiệm thứ ba là những cuộc xâm lăng bằng bạo lực vũ bảo, thì theo Đức Trần Hưng Đạo dễ chống đỡ hơn những cuộc xâm lăng theo kiểu tằm ăn dâu. Trước khi Đức Trần Hưng Đạo từ trần năm 1300, vua Trần Anh Tông (trị vì 1293-1314) đến thăm và hỏi ý kiến phải làm sao nếu quân Nguyên trở qua lần nữa? Trần Hưng Đạo đã dặn dò vua Anh Tông như sau: "Đại khái nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản [binh] chế trường [trận] là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn đúng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha với con thì mới dùng được. Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.".(Toàn thư, bản dịch tập 2, sđd. tr. 79.)
Kinh nghiệm thứ tư là những cuộc xâm lăng nhằm mục đích quân sự hay kinh tế không nguy hiểm bằng những cuộc xâm lăng nhằm tiêu diệt văn hóa Việt để đồng hóa dân tộc Việt. Những cuộc xâm lăng không tiếng súng bằng văn hóa ảnh hưỏng lâu năm trong đời sống dân tộc. Tiêu biểu cho loại nầy là cuộc xâm lăng của nhà Minh vào thế kỷ 15. Sau khi chiếm nước ta vào năm 1407, các tướng nhà Minh chẳng những vơ vét của cải, vàng ngọc, mà còn bắt giới trí thức cũng như nghệ nhân người Việt đem về Trung Quốc, tịch thu và chở về Trung Quốc hầu như toàn bộ sách vở nước Việt đã có từ thời Hồ Quý Ly trở về trước. Đó là sách của các tác giả sau đây:
-Lý Thái Tông (Hình thư),
-Trần Thái Tông (Hình luật, Quốc triều thông lễ, Kiến Trung thường lễ, Khóa hư tập, Ngự thi), Trần Thánh Tông (Di hậu lục, Cờ cừu lục, Thi tập),
-Trần Nhân Tông (Trung hưng thực lục, Thi tập),
-Trần Anh Tông (Thủy vân tùy bút),
-Trần Minh Tông (Thi tập),
-Trần Dụ Tông (Trần triều đại điển),
-Trần Nghệ Tông (Bảo hòa điện dư bút thi tập),
-Trần Hưng Đạo (Binh gia yếu lược, Vạn Kiếp bí truyền),
-Chu Văn Trinh tức Chu Văn An (Tứ thư thuyết ước, Tiều ẩn thi),
-Trần Quốc Toại (Sầm lâu tập),
-Trần Quang Khải (Lạc đạo tập),
-Trần Nguyên Đán (Băng Hồ ngọc hác tập),
-Nguyễn Trung Ngạn (Giới Hiên thi tập),
-Phạm Sư Mạnh (Giáp thạch tập),
-Trần Nguyên Đào (Cúc Đường di thảo),
-Hồ Tông Thốc tức Hồ Tông Vụ (Thảo nhàn hiệu tần, Việt nam thế chí, Việt sử cương mục),
-Lê Văn Hưu (Đại Việt sử ký), Nguyễn Phi Khanh (Nhị Khê thi tập), Hàn Thuyên (Phi sa tập), Lý Tế Xuyên (Việt điện u linh tập) ...
Cuối cùng, Trung Quốc là nước lân bang, ở ngay sát phía bắc nước ta, trong khi Pháp là một nước ở xa. Người Trung Quốc và người Việt Nam có những điểm gần nhau về chủng tộc cũng như về văn hóa, đời sống. Vì vậy, những cuộc xâm lăng của Trung Quốc nguy hiểm hơn cuộc xâm lăng của Pháp vì Pháp có thể bóc lột khai thác dân tộc Việt một thời gian, nhưng người Pháp khác chủng tộc, khác văn hóa, khác môi trường sống, người Pháp đến rồi đi, không ở lại vĩnh viễn ở nước ta như người Trung Quốc.
3. NGÀN NĂM GƯƠNG CŨ SOI KIM CỔ
Bà Huyện Thanh Quan, vào đầu thế kỷ 19, khi nhà Nguyễn dời đô từ Thăng Long vào Phú Xuân, đã ngậm ngùi thương nhớ cố đô trong bài "Thăng Long thành hoài cổ" như sau:
"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường."
Nếu Thăng Long là tấm gương mà Bà Huyện Thanh Quan mô tả: "Ngàn năm gương cũ soi kim cổ", thì tấm gương đó đã ẩn chứa biết bao nhiêu anh hùng liệt nữ đã hy sinh vì dân tộc, nhưng đồng thời tấm gương đó cũng phản chiếu rất đầy đủ những kẻ phản quốc hại dân, nhất là trong thời hiện đại, kể từ khi xuất hiện đảng CSVN.
Trước hết, theo sử sách, Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long sau một cuộc đảo chánh và tuyên chiếu đời đô, nói rõ nguyên nhân vì sao nhà vua dời đô. Năm 1945, Hồ Chí Minh cũng dời đô từ Huế ra Hà Nội, cũng sau một cuộc đảo chánh. Hồ Chí Minh không có chiếu dời đô, mà có bản "Tuyên ngôn độc lập". "Tuyên ngôn độc lập" nói rõ lý do đảo chánh, kết án thực dân Pháp.
Những lời kết án nầy lại chính là lời báo trước chủ trương chính sách của CSVN cho đến ngày nay. Hãy trích vài câu trong bản 'Tuyên ngôn: "Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào….Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn, để làm cho nòi giống ta suy nhược…Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng."
Chữ "chúng" trong bản "Tuyên ngôn" dùng để chỉ người Pháp. Tuy nhiên, ứng dụng những câu trên trong bản tuyên ngôn vào hoàn cảnh ngày nay, chủ từ trong những câu trên không ai khác hơn là CSVN: "không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào…. nhà tù nhiều hơn trường học, thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi, tắm các cuộc khởi nghĩa trong những bể máu, thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện [ma túy], rượu cồn [nhậu khắp n ước], để làm cho nòi giống ta suy nhược… cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệ, giữ độc quyền in giấy bạ [Ngân hàng nhà nước Việt Nam], đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý ..."
Nếu có một người nào nghịch ngợm, viết lại các câu nầy trong bản Tuyên ngôn do chính Hồ Chí Minh viết và đọc, nhưng đừng ghi xuất xứ, rồi gởi cho nhà cầm quyền CSVN hiện nay, người đó sẽ không khỏi bị công an CS bắt giữ ngay, giống như bắt giữ những người mang 6 chữ vàng HS-TS-VN (Hoàng Sa-Trưòng Sa-ViệtNam).
Trở lại chuyện Lý Thái Tổ dời đô. Nhà vua dời đô vào tháng 7 âm lịch. Nhà cầm quyền CSVN hiện nay ở Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long vào ngày 1-10-2010, tức ngày 24-8 năm canh dần (âm lịch). Trong lịch sử Việt Nam, ngày 1-10 không ghi dấu bất cứ một sự kiện quan trọng nào của đất nước. Trong lịch sử thế giới, ngày 1-10-1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tức 1-10 là ngày quốc khánh của Cộng sản Trung Quốc.
Tổ chức lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long vào ngày quốc khánh Trung Quốc, nhà cầm quyền CSVN làm cho mọi người cảm giác là nhà cầm quyền CSVN muốn cùng góp vui với Trung Quốc nhân quốc khánh Trung Quốc, trong khi kinh nghiệm ngàn năm Thăng Long cho thấy Trung Quốc là nước lớn luôn luôn tìm cơ hội tấn công, chiếm đóng và thống trị Thăng Long, nghĩa là nhà cầm quyền Trung Quốc là kẻ thù số một của Thăng Long.
Sở dĩ mọi người có cảm giác như vậy vì quan hệ mật thiết giữa đảng CSVN và đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) trong 80 năm qua, từ khi Hồ Chí Minh vâng lệnh Đệ tam Quốc tế Cộng Sản thành lập đảng CSVN tại Hồng Kông ngày 6-1-1930. Từ đó, đảng CSVN phát triển dưới ô dù của đảng CSTQ, nhất là từ năm 1950, khi Hồ Chí Minh cầu viện Liên Xô không được, phải quay qua nhờ Trung Quốc giúp đỡ.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Bà con xa không bằng láng giềng gần", chỉ đúng trong trường hợp người bạn láng giềng gần tử tế, lương thiện không hiếp đáp mình. Đàng nầy, người bạn láng giềng gần Trung Quốc qua kinh nghiệm một ngàn năm Thăng Long, là kẻ ỷ thế nước lớn, đã nhiều lần hiếp đáp và chiếm đóng nước ta. Vì vậy nhờ Trung Quốc đánh Pháp là một sai lầm lớn lao, nếu không muốn nói là một tội lỗi của Hồ Chí Minh và đảng CSVN đối với dân tộc, vì một khi giúp Việt Nam đuổi Pháp, Trung Quốc sẽ điền thế chỗ của Pháp, thống trị Việt Nam. Sự thống trị của Trung Quốc còn tệ hại hơn của Pháp. Bằng chứng là dưới thời Pháp thuộc, nước Việt vẫn vẹn toàn lãnh thổ. Trong khi nhờ Trung Quốc đánh Pháp, gọi là giành độc lập, mà dần dần nước ta mất đất, mất biển vào tay Trung Quốc
Sau đó, cầu viện Trung Quốc để đánh Mỹ lại càng sai lầm hơn nữa. Có hai sự kiện cụ thể dễ thấy chứng minh sự sai lầm của CSVN trong vụ chống Mỹ. Thứ nhất, chỉ cần nhìn qua các nước Á Châu gần nước Việt. Mỹ chiến thắng Nhật Bản, tiến quân đến Triều Tiên, nhưng Mỹ đâu có xâm lăng hai nước nầy, mà còn giúp hai nước nầy phục hưng sau thế chiến và cường thịnh như ngày nay. Thứ hai, chính nhà cầm quyền CSVN, vào đầu thế kỷ 21, trải thảm đỏ rước Mỹ vào để vực dậy nền kinh tế Việt Nam và làm đối trọng với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Biển Đông.
Tuy hiện nay muốn nhờ Mỹ để lấy thế mặc cả với Trung Quốc, CSVN vẫn còn nằm dưới trướng của Trung Quốc, vẫn muốn đu giây giữa Trung Quốc và Mỹ, và nhất là lo sợ đàn anh Trung Quốc trả đũa giống như đã từng trả đũa năm 1979 khi CSVN bỏ Trung Quốc chạy theo Liên Xô, nên bị Trung Quốc "dạy" cho một bài học. Phải chăng vì vậy mà đảng CSVN làm lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long vào ngày 1-10-2010 để gọi là mừng ngàn năm Thăng Long, nhưng thực chất là mừng quốc khánh Trung Quốc nhằm lấy lòng đàn anh Trung Quốc?
Muốn chống lại Trung Quốc, chẳng những phải mượn thế của Mỹ, mà quan trọng hơn phải tạo nội lực dân tộc, phải thực hành như Đức Trần Hưng Đảo đã dạy: "Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy." Khoan thư sức dân như thế nào, chắc chắn đảng CSVN dư biết, nhưng cũng chắc chắn không phải cách kỷ niệm ngàn năm Thăng Long đúng vào ngày quốc khánh Trung Quốc.
Kỷ niệm ngàn năm Thăng Long là để tưởng nhớ đến sự kiện lập đô hết sức trọng đại của Lý Thái Tổ và tưởng nhớ đến quá trình sống còn của dân tộc với kinh đô Thăng Long, mà CSVN lại tổ chức vào ngày quốc khánh Trung Quốc, là một hành vi quốc nhục, xỉ vả vào lịch sử Thăng Long, lăng nhục lịch sử dân tộc. Tuyệt đại đa số người Việt Nam không chấp nhận thái độ kinh mạn nầy của CSVN. Lễ kỷ niệm chỉ diễn ra vài ngày phù du, nhưng vết nhơ quốc nhục do đảng CSVN gây ra sẽ được dân chúng truyền tụng thiên thu, theo như câu ca dao:: "Trăm năm bia đá thì mòn,/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ."
TRẦN GIA PHỤNG
--
No comments:
Post a Comment