Kiến An
(phóng tác theo bài viết "Young Japanese Seek Second, and Third, Jobs" của GEAROID REIDY.)
LGT: Nhật là nước được ca tụng là thành công và phồn thịnh nhanh chóng sau thế chiến thứ hai. Để đạt được như vậy người ta biết rằng người Nhật đã phải làm việc rất vất vả. Đã có những trường hợp người đi làm khỏe mạnh không có triệu chứng đau ốm gì về nhà chết bất tử và khám nghiệm không tìm ra lý do, cho nên các bác sĩ đều cho rằng là vì làm việc kiệt sức. Ngày nay kinh tế Nhật trì trệ, việc làm khó khăn, đã khiến nhiều người trẻ Nhật kiếm thêm nghề thứ hai hay thứ ba để làm. Bài viết sau đây của Gearoid Reidy trên báo New York Times có vẻ như khuyến khích hiện tượng làm thêm này, và coi đó là một lối thoát cho người Nhật. TTVN xin giới thiệu với quý độc giả bài viết phóng tác theo Gearoi Reidy của Kiến An để đọc cho biết và suy nghĩ về cuộc sống mà có người nghĩ rằng tương tự như hình ảnh con chuột bạch chạy trong lồng cầu.
--------------
Từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, Hiroko Yokogawa làm việc thư ký kế toán cho một công ty nhỏ thiết kế kiến trúc. Nhưng khi khi ca làm của cô ta kết thúc, việc trong ngày của cô vẫn chưa chấm dứt. Về nhà, cô phổ biến hàng hóa trên trang mạng, hay gặp một thân chủ trong vai trò cố vấn về đời sống và việc làm. Một phần ba tổng số lợi tức của cô là do những việc làm thêm như vậy, trung bình mất chừng 5 giờ mỗi ngày cuối tuần và 3 giờ vào ngày thường.
"Không phải là tôi không thích việc làm chính của tôi, nhưng tôi muốn có một nguồn lợi tức ổn định mà không phải lệ thuộc hoàn toàn vào công ty," cô Yokogawa cho biết. "Tôi khởi đầu làm thêm để có thêm tiền mua sắm thời trang, đi chơi hay để dành. Nhưng bây giờ thì tôi cố gắng làm những việc hữu ích cho tương lai."
Trong nhiều thập niên, con đường chính đi vào nghề nghiệp tại Nhật Bản là sau khi tốt nghiệp tham gia một công ty và ở đó cho đến khi về hưu – nghĩa là một công việc làm đến trọn đời. Nhưng với mức lương giảm 12% trong hơn một thập kỷ, công việc làm bấp bênh hiện nay đã khiến những người trẻ Nhật Bản, đa số là độc thân đã tìm cách gia tăng lợi tức của họ bằng cách làm thêm công việc thứ hai hay ngay cả công việc thứ ba.
Một số người đi phát truyền đơn quảng cáo hay làm việc trong những tiệm tạp hoá. Có người bán ngoại tệ hay bán đấu giá trên mạng. Một thăm dò của công ty Ishare chuyên nghiên cứu thị trường điện tử cho thấy rằng 17% người đi làm trong khoảng tuổi 20 tới 50 có một công việc làm thứ hai.
Mặc dầu thời gian làm việc dài, đứng hàng thứ 8 về dài nhất trên thế giới, gần 50% các công nhân trả lời trong một cuộc thăm dò năm ngoái của Viện Chính Sách Lao động và Huấn Luyện thuộc chính phủ tỏ ý muốn có việc làm thứ hai. Gần 90% được hỏi nói rằng do lý do chính là muốn có thêm tiền để chi tiêu.
Ông Toshihiro Nagahama, trưởng ban kinh tế của học viện Nghiên Cứu Đời Sống Dai-Ichi tại Tokyo cho biết nguyên nhân chính khiến những người trẻ tìm cách kiếm thêm tiền ngắn hạn là vì điều kiện kinh tế và lợi tức khó khăn, nhưng đó cũng là cách để đề phòng mất việc.
Tỷ lệ thất nghiệp 5.2% vào tháng 7 tại Nhật Bản tuy là thấp so với tỷ lệ trung bình trên thế giới, nhưng đã tiến gần đến điểm cao kỷ lục ở Nhật. Kinh tế tiếp tục bị đình trệ, kéo thấp xuống thêm bên tuổi tác già và dân số giảm, lạm phát và đồng yen mạnh, đã ngăn cản sự xuất cảng.
Căn cứ theo con số từ Sở Thuế Quốc Gia, lương trung bình hàng năm cho những nhân viên người Nhật trong tuổi 20 đã rơi xuống là 2.48 triệu yen trong năm 2008, từ 2.83 triệu yen trong năm 1977. Tính theo hối xuất hiện nay, đó là một sự sụt giảm từ $33,635 đô la xuống mức $29,470 đô la Mỹ.
Dữ kiện phổ biến trong tuần vừa qua bởi Bộ Sức Khỏe, Lao động và Phúc Lợi cho thấy rằng hầu hết 56% công nhân trong tuổi từ 15 đến 34 đã cần đến một nguồn lợi tức khác để trang trải những chi tiêu trong cuộc sống. Những nguồn lợi tức thêm đã được quan tâm nhiều hơn kể từ khi có sự suy thoái trên toàn cầu, với việc nhiều công ty đã bỏ hẳn việc cho làm thêm giờ phụ trội nhằm tiết kiệm.
"Không có đồng lương phụ trội, ngày càng nhiều người muốn có thêm một việc gì đó để làm," Kirito Nakano, một người từng làm việc phụ trội và đã dùng kinh nghiệm của anh để đi vào nghề nghiệp đầu tư và viết sách.
Nakano, 28 tuổi, đầu tiên đi theo con đường nghề nghiệp như bài bản, tham gia một công ty lớn như một kỹ sư về Web sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2004. Nhận thấy rằng đồng lương của anh ta không có thể trang trải cho những tiêu xài xa xỉ như những cuộc du lịch ngoại quốc, anh ta bắt đầu thử dùng giờ rảnh tham gia các chương trình quảng cáo để kiếm tiến bằng cách giới thiệu khách cho các công ty.
Ba năm sau, công việc phụ này kiếm ra tiền nhiều hơn là việc làm chính thức, anh đã nghỉ việc chính để ra làm công ty quảng cáo riêng mà bây giờ anh đang bỏ hết thì giờ vào. Vào tháng 8, anh xuất bản một cuốn sách thứ hai giải thích bằng cách nào để làm ra 100,000 yen trong một tháng bên ngoài việc văn phòng.
"Kinh tế Nhật Bản không chỉ đang đình trệ mà nó đang trong tình trạng thụt lùi," anh ta nói. "Khi mọi người tin rằng tương lai sáng sủa hơn hiện tại, thì họ vui sướng. Nhưng nếu họ nghĩ rằng tương lai không có hy vọng, thì họ trở nên buồn thảm. Để giải quyết nỗi lo này mà mọi người đang cố gắng tìm công việc thêm."
Hệ thống làm việc trọn đời của Nhật đã tan vỡ với sự nổ tung của nền kinh tế bong bóng vào năm 1991, và những người làm việc như cô Yokogawa đã phải đối đầu với thực tế mới. Cô ấy đã làm việc với một số công ty khác nhau, trả lời điện thoại hay bán những dây nơ đeo cổ. Tuy vậy cô nói rằng những thay đổi đó đã thật là đau đớn cho thế hệ của cô ta.
"Những người như tôi, trong lứa tuổi 30s, đã đón nhận thay đổi thật khó khăn," cô nói. "Những người trong lứa tuổi 20s lớn lên đã quen thuộc với nền kinh tế nghèo nàn, còn chúng tôi đã lớn lên trong sự tin tưởng rằng nếu chúng tôi làm việc chăm chỉ cho một công ty lớn, chúng tôi sẽ an toàn trọn đời."
Yoshihiko Noda, Bộ trưởng Tài Chánh, trong tháng vừa qua đã phát biểu rằng đã đến lúc Nhật Bản phải có những biện pháp cho phép "những người trẻ có được những giấc mơ và việc làm."
Muốn thế thì Nhật phải cần giúp đỡ khuyến khích những người có đầu óc xông xáo kinh doanh, có vẻ như hiếm tại Nhật. Nhưng những người với công việc làm phụ trội có thể đưa ra một tia hy vọng.
"Tỷ số công ty khởi đầu tại Nhật là thấp, nhưng nếu tính những người đang làm việc phụ trội, thì con số bắt đầu trông tốt hơn," Shinsuke Ogino, một nhà phân tích về thương mại và có sách xuất bản về những việc làm phụ trội và hai nghề nghiệp, nhận định như vậy.
"Những người làm phụ trội là loại người không thỏa mãn với công việc họ đang làm để lãnh lương và không còn nghi ngờ rằng sự gia tăng những người với loại tinh thần kinh doanh này là một điều tốt," ông ta nói.
Dành quá nhiều thời gian làm việc có cái giá của nó, nhất là mất thời giờ rảnh rỗi hưởng thụ.
"Làm thêm công việc chỉ vì tiền sẽ dẫn đến sự kiệt sức," cô Yokogawa nói. "Nhưng nếu một người làm một điều gì mà họ ưa thích, thì áp lực của công việc trở nên một nguồn của năng lực." Cô đã kết hợp công việc phụ trội của cô ta với thời gian rảnh rỗi đi xem những tiệm nổi tiếng và hợp thời trang, việc này tạo cảm hứng cho những điều cô ta đưa lên mạng.
"Đối với những người làm việc kiểu này, công việc làm thêm trở thành thú tiêu khiển, là phương tiện để giao tiếp với những bạn mới," ông Ogino nói. "Tôi nghĩ một số người dùng tiền và những liên hệ họ có được trong những công việc phụ trội để có những nguồn vui."
Cô Yokogawa hy vọng dùng kinh nghiệm chạy từ việc này sang việc kia để giúp những người khác tìm việc và tìm cách sống thích hợp. Mỗi lần tư vấn cho một thân chủ từ trên mạng hay do bạn bè giới thiệu, cô lấy khoảng 3,000 yen. Bắt đầu sang năm, cô dự định gia tăng thời gian làm cố vấn, với hy vọng biến nó trở thành một nghề nghiệp.
Nhưng điều này không có nghĩa là cô sẽ nghỉ việc làm ban ngày. "Tôi không nói là tôi muốn rời bỏ công việc chính của mình, mà đúng ra, tôi thích có vài công việc cùng một lúc," cô nói.
--
No comments:
Post a Comment